Tham quan tháp Bà Ponagar
Tham quan tháp Bà Ponagar, 14, Nha Trang Travel, Minh Tam, Du lịch Nha Trang, 17/10/2015 09:54:15
Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên một quả đồi khá cao tại làng Cù Lao, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa xưa nay thuộc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Khi người Chăm rút khỏi vùng Khauthara (tức vùng Khánh Hòa), ngôi đền thờ chính này của người Chăm được chuyển giao cho người Việt và trở thành tháp Bà hay tháp Thiên Yana Thánh Mẫu. Cho đến nay, người Việt quanh vùng, cứ đến ngày rằm, mồng một hoặc khi có chuyện riêng từ gì đo, đều lên tháp Bà thắp hương, cầu xin Bà phù hộ độ trì. Tại chân núi Tháp Bà, bên bờ sông Nha Trang (sông Cái), có hẳn một xóm của những người làm nghề cung văn, nhạc công, múa bóng chuyên nghiệp thường xuyên phục vụ các nghi lễ dân gian tại Tháp Bà. Xóm đó được gọi là xóm Bóng "Ai về xóm Bóng Hà Ra / Hỏi thăm điệu hát dâng Bà còn không?".
Đối với người Chăm, tháp Pô Nagar là đền thờ vị nữ thần đáng kính nhất và quan trọng nhất của dân tộc mình: thần mẹ xứ sở - Pô Inư Nagar (Pô: Ngài, Bà; Inư: Mẹ; Nagar: xứ sở, đất nước, đô thị). Vì vậy, sau khi rút khỏi vùng Nha Trang, người Chăm đem nữ thần của mình về thờ tại một ngôi đền nhỏ ở làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Hiện nay, cứ vào ngày thứ năm và thứ sáu của tuần đầu tháng giêng theo lịch Chăm hằng năm, người Chăm lại làm lễ Rija - Nưgar để cầu xin thần Mẹ xứ sở giúp những điều kiện tốt lành, mưa thuận gió hòa. Nữ thần Pô Nagar là nữ thần bản địa có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của người Chăm.
Pô Nagar không chỉ đầy huyền tích mà còn là một trong những tổng thể kiến trúc vào loại lớn nhất của vương quốc Chămpa xưa. Toàn bộ khu đền Pô Nagar nằm trên đồi Cù Lao, hướng mặt về phía biển, hướng ve phía Đông, chếch Bắc 70 và có cả ba tầng kiến trúc. Ở tầng trên cùng là hai dãy tháp, xung quanh có tường bao (hiện chỉ con dấu tích tường xưa ở mé Tây và Nam). Dãy tháp thứ nhất, từ Bắc xuống Nam, gồm ngôi tháp chính (theo truyền thuyết là tháp thờ thái tử Bắc Hải), ngôi miếu nhỏ (nơi thờ ông bà trồng dưa). Trên dãy tháp thứ hai phía sau, hiện chỉ còn một ngôi tháp mái dài hình cong như yên ngựa (mà truyền thuyết cho là nơi thờ hai người con của Thiên Yana). Thế nhưng có thể nhận thấy ở dãy tháp thứ hai dấu tích nền móng của hai ngôi tháp nữa. Đối diện với tháp thờ chính, hiện còn dấu vết của những tam cấp bằng gạch rất dốc nối liền tầng kiến trúc phía dưới (tầng thứ hai từ dưới lên) với tầng kiến trúc trên cùng. Trên mặt tầng thứ hai hiện còn hai dãy cột chính gồm 10 cột, mỗi dãy 5 cột, bằng gạch hình bát giác, rất lớn và cao, đường kính hơn một mét và cao khoảng 3 mét. Bao quanh 10 cột lớn, hiện còn hai hàng gồm 14 cột nhỏ và thấp hơn cũng bằng gạch và có hình bát giác như các cột lớn. Toàn bộ hệ thống cột đó dựng trên một nền gạch chữ nhật cao hơn 1 mét. Trên cơ sở những chiếc cột và tầng nền còn lại, các nhà nghiên cứu đã giải thiết rằng xưa kia, nơi đây là một toà nhà dài lớn, mái ngói, dùng làm nơi để mọi người chuẩn bị đồ lễ trước khi lên các tháp thờ ở phía trên. Ngôi nhà cột dài có cầu thang phía đông dẫn xuống tầng cuối cùng, nơi có ngôi tháp cổng. Thế nhưng, hiện nay, ngôi tháp cổng không còn nữa.
Tháp thờ chính là một kiến trúc tháp bốn tầng kiểu truyền thống của Chămpa khá lớn (cao chừng 25 mét). Các mặt tường phía ngoài của thân tháp (trừ mặt đông là nơi có cửa ra vào) được trang trí bằng hệ thống các cột ốp, cửa giả và các đường gờ nằm giữa các cột ốp. Mỗi mặt tường có năm cột ốp cao thon thả và trang nhã. Tính thanh thoát của các cột ốp còn được nhấn bởi một đường rãnh dọc chạy giữa suốt cả thân cột. Thân các cột ốp đều có một hình áp có hai thân và hai trán hình ngọn lửa. Khoảng tường nằm giữa các cột ốp cũng được chạm khắc thành một đường rãnh lõm hình chữ nhật đứng để làm nổi lên đường gờ dài ở chính giữa. Cũng như các hình áp chân cột, các cửa giả nằm chính giữa các mặt tường là một cấu trúc lớn có hai thân nhô ra và vút cao như hình mũi giáo. Trên đỉnh của phần thân, nằm ngay trên đầu các cột ốp ở góc, là bốn hình tháp nhỏ; còn ở khoảng trống giữa các tháp góc đó nhấp nhô những hình trang trí giống các hình áp chân cột ốp. Ba tầng phía trên là những khối kiến trúc mô phỏng phần thân của tháp, lại có bố cục như hình lăng trụ tám mặt. Một torng những nét đặc trưng nhất của ngôi tháp thờ chính là sự có mặt của những con vật bằng đá trên mái: những con chim lớn trên mái bằng của thân chính, những con dê trên mái tầng một, những con hạc đang dang cánh trên mái tầng hai, những con voi đang bước, đầu quay lại ở tầng ba. Cửa ra vào phía đông là cả một cấu trúc hình tháp gắn vào mặt tường. Tháp cửa có hình dáng và cấu trúc hệt như tháp chính, nhưng chỉ có ba tầng, không có hình người đứng. Cửa ra vào tách khỏi tháp cửa thành một tiền sảnh. Ở lối vào có hai trục cửa bằng đá hình chữ nhật, khắc đầy bia ký, đỡ một mi cửa trơn. Bên trên là một trán cửa bằng gạch, hai thân, ôm lấy một phiến đá hình cung nhọn có hình nữ thần Durga múa giữa hai nhạc công. Đáng tiếc là mặt tiền của tháp chính đã hư hại nhiều và tuy được tu sửa, nhưng lại sửa không đúng. Do đó, muốn thấy rõ hình dáng và vẻ đẹp thực của ngôi tháp, phải đứng nhìn từ phía sau của tháp.
Nằm ngay bên cạnh, về phía Nam của tháp chính là ngôi tháp lớn thứ hai, cao chừng 12 mét, trong toàn bộ tổng thể kiến trúc ở Pô Nagar. Mặc dầu phần thân tháp mang sắc thái của một tháp Chăm truyền thống - nghĩa là mặt tường bên ngoài được trang trí bằng các cột ốp - nhưng toàn bộ phần đỉnh lại không phải là các tầng thu nhỏ dần về phía chóp mà là một khối hình tháp hình cung nhọn được tạo bởi bốn mặt cong từ bốn mép tường khép vào với nhau. Điều đặc biệt nữa ở ngôi tháp lớn thứ hai tại Pô Nagar là khối chóp tháp bằng đá hình Linga nhô lên từ một khối bệ hình củ hành bốn múi được trang trí bang bốn hình đầu bò thần Nađin ở bốn góc. Cũng như ngôi tháp chính, cửa ra vào phía đông của tháp nhô hẳn ra thành một cấu trúc gồm gian tiểu sảnh ở phía trong và cửa ở phía ngoài, nhưng trán cửa là khối đá trơn chứ không có hình chạm khắc như của tháp chính.
Nằm trên dãy thứ nhất, ở phía Nam của ngôi tháp hình chóp nhọn vừa mô tả trên đây, là một kiến trúc vừa nhỏ, vừa đặc biệt. Thân dưới của kiến trúc hình chữ nhật gồm ba mặt tường và cửa vào phía đông như mọi tháp Chăm khác, nhưng không có các tháp nhỏ ở bốn góc mái. Tầng thứ nhất có cấu trúc và hình dáng đơn giản như phần thân của kiến trúc. Phía trên tầng một, không còn cấu trúc theo kiểu tầng nữa, mà là một bệ mái cong hình yên ngựa phô ra hai đầu hồi hai hình cung nhọn có hai thân. Bên trong tháp chứa một linga không có bệ làm tượng thờ.
Ngôi tháp thứ tư và là ngôi tháp còn nguyên vẹn nhất của Pô Nagar nằm về phía Tây Bắc trên dãy kiến trúc thứ hai. Xét về loại hình thì tòa kiến trúc này là một tháp tầng, nhưng số tầng chỉ có một và đỉnh nhọn được thay bằng bộ mái dài hình yên ngựa. Toàn bộ phần thân hình chữ nhật kéo dài theo hướng Bắc - Nam của tháp có cấu trúc và hình dáng như các tháp Chăm truyền thống khác, nhưng trong các ô cửa giả lại nổi lên các hình chạm khắc đặc biệt bằng gạch: hình chim thần Garuda ở mặt Nam, hình con sư tử trong tư thế tấn công với các móng vuốt của hai chân trước co lại sát thân ở mặt Bắc, một người cầm lao ở tay phải, cầm các góc, trên đầu các cột ốp ở góc tường nhô ra những hình trang trí thể hiện các tiên nữ Apsara như ở tháp chính (hình phía ngoài bằng đá, hình phía trong bằng đất nung). Các cột ốp góc tường đội bốn trang trí góc có hình như quả chuông bằng gạch, còn phần diềm mái nằm giữa các quả chuông gạch được trang trí bằng các hình áp lô nhô như răng cưa. Tầng trên là một khối kiến trúc mô phỏng phần thân và cũng chạy dài theo hướng Bắc - Nam.
Mỗi mặt tường đều được trang trí bằng các cột ốp (mặt dài ba cột, mặt ngắn hai cột) và cửa giả ở chính giữa mỗi mặt. Toàn bộ đường diềm (phía trên) nhô ra, khá mạnh của tầng một có chức năng làm bệ cho bộ mái gạch hình yên ngựa phía trên. Hai mặt hồi hình vòm cung nhọn uốn vào phía trong phô ra hai trán nhà có chạm khách hình một vị thần nào đó đang ngồi dưới tán các đầu rắn Naga; còn hai chân mái phía đông và tây được tô điểm bằng các hình vòm nhấp nhô - mỗi mặt năm hình. Cửa tách ra khỏi mặt đông của thân thành một tiền sảnh ngắn có mái hình cung nhọn và một trán cửa kép. Chính phía dước nền của tháp Tây - Bắc, vào những năm đầu thế kỷ XX, trong khi tu sửa, người Pháp đã tìm thấy kho báu thiêng gồm những đồ cúng tiến bằng vàng bạc.
Việc thờ phụng nữ thần Yan Pô Nagar đã có từ lâu và tồn tại liên tục trong nhiều thế kỷ ở tháp Pô Nagar. Điều lý thú và rất có ý nghĩa là: nếu bia ký được ghi bằng chữ Phạn thì nữ thần mang tên nữ thần của Ấn Độ Bhagavati (Sakti hay vợ của thần Siva), còn bia ký ghi bằng chữ Chăm cổ thì nư thần được gọi là Yan Pô Nagar (Thần Mẹ xứ sở). Rõ ràng, cái vỏ hay hình thức của Ấn Độ giáo đã trùm lên hay đã nhập vào việc phụng thờ Nữ thần mẹ Yan Pô Nagar. Điều này cũng được phản ánh rõ qua hình ảnh bức tượng đá nữ thần hiện còn được thờ trong ngôi tháp chính ở Pô Nagar.
Bức tượng thờ bằng đá khá lớn, cao 2,6 mét, được tạc bằng đá hoa cương nguyên khối màu đen, ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen thể hiện một nữ thần ngồi xếp bằng trước một tấm tựa hình chữ U ngược được chạm cả hai mặt: mặt trước là một vòng cung dạng Kala - Makara - Tôrana (đầu Kala nhìn thẳng ở chính giữa, hai đầu Makara nhìn nghiêng ở hai bên), mặt sau là kiểu trang trí hình lá nhọn to uốn ngược đầu lên (mỗi bên hai lá) hướng về hình lá đề to ở chính giữa. Nữ thần chỉ mặc chiếc váy ở phía dưới, còn toàn bộ phần trên để trần phô ra cặp vú to căng tròn, những nếp nhăn lớn ở bụng chứng tỏ đã trải qua nhiều lần sinh nở, bên dưới mặt một chiếc xà rông. Nữ thần có mười tay: hai bàn tay dưới đặt lên hai đầu gối và không cầm gì cả, bàn tay phải để ngửa, còn bàn tay trái cũng mở nhưng dựng đứng và hướng về phía trước.
Các bàn tay khác đầu cầm các vật phụ thuộc: đoản kiếm, mũi tên, trùy và lao ở bên phải; chuông nhỏ, đĩa, cung và tù và ở bên trái. Đáng tiếc là đầu tượng đã mất, cái đầu hiện nay là đầu được gắn vào về sau. Tất cả các dấu hiệu, đặc biệt là các vật cầm tay cho biết tượng thờ chính ở Pô Nagar là tượng Mahisamardini – Nữ thần diệt trừ quỷ ác Drga - Sakti, hay vợ của thần Siva. Dựa trên các yếu tố phong cách, các nhà nghiên cứu xác định tượng thờ ở Pô Nagar có niên đại thế kỷ X. Do đó, có thể cho rằng pho tượng hiện nay đang được thờ ở tháp chính Pô Nagar là pho tượng bằng đá do vua Jaya Indravaman dựng lên vào năm 965 mà bia ký tại tháp đã nhắc tới. Hình tượng nữ thần cũng được thể hiện trên hình khắc trán cửa của ngôi tháp chính. Toàn bộ được đặt trên một Yoni lớn, gồm nhiều lớp đá chồng khích lên nhau, được đẽo gọt từ nguyên khối.
Xem thêm: Kiến thức mua sắm
Xem thêm: Tiêu dùng thông thái
Tham quan tháp Bà Ponagar, 14, Nha Trang Travel, Minh Tam, Du lịch Nha Trang, 17/10/2015 09:54:15